VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
6.1. Giải pháp về chính sách
6.1.1. Chính sách về quản lý đất đai
– Triển khai kịp thời các chính sách Pháp luật về quản lý đất đai và ban hành kịp thời những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền của UBND tỉnh;
– Tiếp tục hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất; đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư… và thực hiện đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đồng thời đảm bảo được tiến độ thực hiện những công trình, dự án theo quy hoạch; nhất là những công trình giao thông, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
– Cải cách và công khai hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký nhu cầu sử dụng đất.
6.1.2. Chính sách đối với phát triển ngành gắn với chính sách về đất đai
– Chính sách đối với lĩnh vực nông nghiệp: Hạn chế tới mức thấp nhất việc chuyển đất đang trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp theo Nghị định của Chính phủ. Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Xây dựng hệ thống kênh tưới để khai thác tối đa nguồn nước từ Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang và Hệ thống kênh trục sông Nghèn phục vụ việc chuyển diện tích đất một vụ thành đất 2 vụ lúa để đảm bảo ổn định chỉ tiêu diện tích đất 2 vụ lúa trên địa bàn;
Tập trung hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính, hoàn chỉnh hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tổng kết công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2 và tập trung cho việc tích tụ, tập trung đất đai để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng các khu sản xuất hàng hóa tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa được thuê đất;
Ban hành cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển đa dạng các loại hình kinh tế gắn với chuyên môn hoá, hợp tác hoá cao hơn;
– Chính sách đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ: Xây dựng các chính sách ưu đãi về đất đai như giá thuê đất và miễn giảm tiền thuê đất, cho thuê đất để đầu tư, về thế chấp vay vốn. Hỗ trợ lãi suất tiền vay cho phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thực hiện ưu đãi về thuế suất, thời hạn miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu và các ưu đãi khác về phí và lệ phí nhằm khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh;
– Hoàn thành sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình doanh nghiệp phát triển trên cơ sở bình đẳng.
6.2. Giải pháp về nguồn lực và vốn đầu tư
– Có kế hoạch sắp xếp ưu tiên đầu tư thực hiện những dự án, công trình trọng điểm, các công trình về cơ sở hạ tầng, nhà ở phải được đầu tư trước một bước, kế hoạch phát triển giao thông phải đầu tư tập trung và gắn với phát triển đô thị hoá;
– Sử dụng nguồn lực từ Quỹ phát triển đất như thực hiện công tác đấu giá đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các vùng đất có lợi thế để tăng nguồn thu ngân sách theo Đề án phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2012 – 2020 của tỉnh Hà Tĩnh (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2011 của HĐND tỉnh).
– Thực hiện chính sách phân bổ tiền sử dụng đất theo hướng: Xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết phân chia nguồn thu từ đất cho các cấp ngân sách, theo hướng đảm bảo ưu tiên nguồn vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm tăng giá trị đất, tạo lập thị trường bất động sản phát triển;
– Bổ sung nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm cho cán bộ địa chính, nhất là trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.
6.3. Giải pháp về khoa học – công nghệ
– Bố trí đủ cơ sở vật chất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong việc lập, giám sát và thực hiện quy hoạch;
– Cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài ngành để nâng cao chất lượng của công tác lập quy hoạch;
– Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển các ngành kinh tế trong tỉnh như mở rộng hợp tác đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề với các cơ sở có trang thiết bị hiện đại trong và ngoài tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí các doanh nghiệp tự góp vốn và trang bị phương tiện để nâng cao chất lượng đào tạo; tạo sự liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước – tư vấn phát triển kinh tế – kỹ thuật công nghệ – doanh nghiệp – các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề, để hỗ trợ nhau trong đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực một cách có hiệu quả;
– Liên kết, kêu gọi đầu tư các cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây mới, mở rộng qui mô, nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho dạy nghề, tăng cường liên kết, thu hút đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao về giảng dạy;
– Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) để theo dõi, cập nhật, quản lý các biến động đất đai nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý.
6.4. Giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường
– Kết hợp trồng cây xanh, xây kè bao ở những nơi đất có cao trình thấp chịu ảnh hưởng của lũ lụt;
– Sử dụng đất trong các dự án phải có phương án bảo vệ môi trường, hoàn trả hiện trạng mặt đất sau khi kết thúc dự án, nhất là các khu khai thác khoáng sản…;
– Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả cao đi đôi với phát triển bền vững;
– Xây dựng cơ chế thống nhất giữa quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; giữa sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường đất, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho tổ chức, cá nhân trong quá trình sử dụng đất;
– Đầu tư các công trình xử lý chất thải ở các khu công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị đảm bảo chất thải được xử lý đủ tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường;
– Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Xây dựng hệ thống quan trắc môi trường để có thông tin kiểm soát, đánh giá chính xác và kịp thời mức độ ô nhiễm môi trường.
6.5. Giải pháp về quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tổ chức thực hiện
– Tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ trong quá trình lập, thực hiện giữa quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh với quy hoạch sử dụng đất và với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực để nâng cao tính thực tiễn, hiệu quả sử dụng đất. Đưa các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất vào hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh;
– Thực hiện phổ biến công khai, tuyên truyền rộng rãi phương án quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cho các cấp, ngành và mọi người biết để thực hiện;
– Tổ chức các cuộc hội thảo giữa các cấp quản lý với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi đầu tư sản xuất kinh doanh;
– Giao đất theo đúng tiến độ, khả năng khai thác sử dụng thực tế đối với tất cả các trường hợp có nhu cầu sử dụng đất;
– Kết hợp các biện pháp về chính sách, biện pháp mệnh lệnh hành chính với thuyết phục; có kế hoạch và thời hạn tối đa để thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ của dự án;
– Tạo môi trường đầu tư thuận lợi như môi trường về chính trị, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, bảo hiểm…;
– UBND tỉnh phân bổ kịp thời chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho cấp huyện ngay sau khi được phê duyệt và chỉ đạo UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Các ngành tiến hành rà soát điều chỉnh, lập quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với quỹ đất đai trong phương án quy hoạch đất chung của tỉnh;
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất theo quy hoạch; xử lý triệt để các trường hợp sử dụng đất trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và trường hợp người sử dụng đất không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích;
– Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất cho mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phải theo kế hoạch, tiết kiệm và hiệu quả;
– Kiến nghị bổ sung và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật;
KẾT LUẬN 1. Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015) đảm bảo được cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của việc lập quy hoạch sử dụng đất theo quy định của văn bản Pháp Luật về quản lý đất đai (Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Thông tư số 19/2009/TT-BTNMT ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).
2. Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2010 – 2015); quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực của tỉnh đến năm 2020 nên đảm bảo được mục tiêu phát triển của tỉnh và phù hợp với chủ trương, đường lối chính sách của đảng và Nhà nước. Các chỉ tiêu sử dụng đất được tính toán trên cơ sở các thông tin, số liệu, dữ liệu đảm bảo tính pháp lý, khoa học và thực tiễn sử dụng trong việc lập quy hoạch sử dụng đất.
3. Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng được về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó đảm bảo quỹ đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ; hiệu quả của kinh tế của phương án quy hoạch sử dụng đất còn thể hiện theo dự kiến thu chi từ đất, trong đó có việc chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, giải quyết quỹ đất ở, đất phục vụ cho mục đích công cộng; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất hợp lý hơn, tạo công ăn việc làm cho người dân và việc làm mới được tạo ra từ việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển rừng, bảo vệ môi trường; tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn văn hoá các dân tộc của phương án quy hoạch sử dụng đất.
4. Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn./.
Поделитесь с Вашими друзьями: