Ngày đăng: 30/10/2020 04:01
1. Thực trạng bộ máy và đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hiện nay
Hệ thống tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam hiện nay có 4 cấp (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Có 372 tổ chức hội cơ sở trong lực lượng vũ trang và 982 tổ chức hội cơ sở đặc thù khác; 100% thôn, ấp, bản có 88.859 chi hội và 245.066 tổ Hội Phụ nữ(1). Ngoài ra, có 02 tổ chức thành viên là Hội Nữ trí thức Việt Nam và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam.
Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam gồm 17 ban, đơn vị trực thuộc, trong đó có văn phòng, 09 ban, 06 đơn vị sự nghiệp (có 03 đơn vị tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên), 01 doanh nghiệp (tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên tình thương); Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình Việt Nam (Trung ương Hội LHPN Việt Nam giữ 35% cổ phần). Cơ quan chuyên trách cấp tỉnh gồm văn phòng và một số ban chuyên môn(2).
Về số lượng biên chế, tính đến ngày 31/12/2019, tổng số cán bộ Hội LHPN các cấp trên cả nước là 15.898 người, trong đó cơ quan Trung ương Hội có 272/317 biên chế được giao với 165 cán bộ, công chức khối phong trào và 107 công chức, viên chức khối đơn vị sự nghiệp; cấp tỉnh là 1.252; cấp huyện là 3.221; có 10.602 Chủ tịch Hội LHPN xã/phường/thị trấn, 88.859 chi hội trưởng với 18.244.042 hội viên.
Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XI một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố đã thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Hội LHPN cấp cơ sở theo tiêu chí mới, bố trí kiêm nhiệm các chức danh phó chủ tịch hội, chi hội trưởng, góp phần giảm số lượng các chức danh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội LHPN ở cơ sở.
Về trình độ, tính đến năm 2019, tỷ lệ cán bộ chủ chốt Hội LHPN cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trình độ đại học và trên đại học đạt 100%, tăng 11%, đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị là 100%, tăng 11,4%; tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp huyện có trình độ đại học và trên đại học là 97,3%, tăng 38,3%; trình độ cao cấp lý luận chính trị là 50,4%, tăng 15,4% so với năm 2009.
Các khâu trong công tác cán bộ được đổi mới, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam đảm bảo chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác tuyển dụng cán bộ được thực hiện theo phương thức thi tuyển. Đặc biệt ở cấp Trung ương, thông qua thi tuyển, đầu vào của cán bộ Hội được đảm bảo cơ bản về tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội luôn được quan tâm theo chuẩn chức danh, vị trí việc làm, yêu cầu công việc, năng lực nghiên cứu, tham mưu, phát hiện vấn đề; được mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức, chú trọng về chất lượng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn; hướng dẫn kèm cặp; học trực tuyến các kiến thức, kỹ năng bổ trợ. Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Chính phủ phê duyệt đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực, trình độ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương và cơ sở(3). Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, cán bộ Hội cơ sở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Cơ cấu Ban Chấp hành các cấp Hội LHPN ngày càng được mở rộng, mang tính liên hiệp chặt chẽ. Đã tập hợp được sự tham gia của một số cán bộ thuộc các ngành có ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng tới phong trào phụ nữ, các hoạt động của cấp Hội như tổ chức công đoàn ngành nông nghiệp, ngành giáo dục… Bên cạnh đại diện cơ cấu tiêu biểu cho phụ nữ dân tộc, phụ nữ tôn giáo, tham gia bộ máy lãnh đạo đã có đại diện của các nữ doanh nhân, nữ trí thức, nữ lãnh đạo, quản lý. Mở rộng nhiều mô hình, cách thức hoạt động để phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia tư vấn cho các lĩnh vực công tác phụ nữ. Cấp Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập và duy trì hoạt động của Mạng lưới kết nối các nữ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong công tác cán bộ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn và giới thiệu nhiều cán bộ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành. Với vai trò nòng cốt, Hội LHPN các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác cán bộ nữ ở tất cả các khâu từ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn đến việc đề xuất luân chuyển, bố trí vào những vị trí lãnh đạo, quản lý phù hợp.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp từ Trung ương tới cơ sở đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng; luôn đoàn kết, không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực; nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát cơ sở, vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ và công tác Hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội cũng như yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; còn biểu hiện hành chính hóa, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc; thụ động, trông chờ cấp trên; thiếu năng lực hoạt động thực tiễn; tinh thần tự học hỏi, rèn luyện còn hạn chế.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội
Để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, có năng lực hoạt động thực tiễn, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu công tác phụ nữ trong điều kiện mới, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường bồi dưỡng, giáo dục bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lý tưởng và khát vọng cống hiến cho cán bộ Hội LHPN các cấp.
Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong cơ quan chuyên trách các cấp Hội LHPN và người đứng đầu trong giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ. Quán triệt và thực hành tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện tốt Quy chế nêu gương trong đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quán triệt về tầm nhìn, vị trí, vai trò, sứ mệnh, giá trị cốt lõi cũng như mục tiêu, ýý nghĩa hoạt động của tổ chức Hội trong đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Phấn đấu để mỗi cán bộ Hội là một “đại sứ” quảng bá hình ảnh, uy tín và là người truyền cảm hứng, tạo dựng niềm tin nơi hội viên, phụ nữ đối với tổ chức Hội LHPN. Cán bộ chi, tổ Hội được hội viên, phụ nữ suy tôn, tín nhiệm phải thực sự là hạt nhân nòng cốt, tiên phong trong vận động, tổ chức các hoạt động tại cộng đồng.
Hai là, xây dựng khung yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh cho từng vị trí công tác ở mỗi cấp Hội để làm cơ sở phân loại, đánh giá cán bộ một cách thực chất.
Các cấp Hội LHPN đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ để tạo động lực phấn đấu nhưng không “cào bằng”, chung chung cho tất cả các cấp mà có sự khác nhau ở từng cấp:
1) Cán bộ cấp Trung ương Hội phải có năng lực dự báo và định hướng chiến lược; năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu đề xuất chính sách, phân tích, xử lý thông tin, tổng hợp, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; kỹ năng thiết lập mạng lưới, thương thuyết, giao tiếp với hội viên, phụ nữ và với cấp ủy, chính quyền, các ngành; đối với cán bộ trẻ dưới 40 tuổi phải sử dụng thành thạo được ít nhất một trong năm ngoại ngữ cơ bản;
2) Cán bộ cấp tỉnh phải có năng lực cụ thể hóa chủ trương, nhiệm vụ của Hội cấp trên và của cấp ủy cùng cấp phù hợp thực tiễn phong trào phụ nữ và hoạt động tại địa phương; năng lực tham mưu, đề xuất chính sách; năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; năng lực nghiên cứu tổng kết thực tiễn; năng lực hợp tác, phối hợp, lồng ghép các hoạt động; kỹ năng thương thuyết, giao tiếp; thông thạo địa bàn, am hiểu văn hóa, phong tục địa phương;
3) Cấp huyện phải có năng lực tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề, xử lý tình huống; kỹ năng lập kế hoạch, thu thập thông tin, viết báo cáo; kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục; sâu sát cơ sở, hội viên, phụ nữ, gắn bó với cộng đồng; có trình độ tin học; thông thạo địa bàn, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của địa bàn;
4) Đối với cấp cơ sở và Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở phải có trình độ nghiệp vụ về công tác phụ nữ; có kỹ năng lập kế hoạch, viết báo cáo, tổ chức thực hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện vấn đề, phản ánh, tham mưu, đề xuất với cấp trên và giải quyết, xử lý các tình huống phát sinh; năng lực phối hợp tổ chức hoạt động; kỹ năng giao tiếp, vận động, thuyết phục. Cán bộ Hội là Ủy viên Ban Chấp hành, là cán bộ các chi hội, tổ phụ nữ phải có uy tín, nhiệt tình với công việc, gần gũi với hội viên, phụ nữ; có năng lực tập hợp, thu hút phụ nữ, quản lý hội viên; có kỹ năng vận động, thuyết phục, điều hành sinh hoạt nhóm, nắm bắt tình hình, tư tưởng, thu thập thông tin, ghi chép sổ sách, viết báo cáo.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn và hướng dẫn kèm cặp.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng tại trường, lớp: các cấp Hội cần tham mưu triển khai hiệu quả “Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025” (ban hành theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Phân loại đối tượng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và thực trạng năng lực để có nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp: đào tạo chuẩn hóa về chuyên môn, lý luận chính trị, đặc biệt là bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội; bồi dưỡng các kỹ năng nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, chú trọng các kỹ năng đối với cán bộ, công chức ở từng cấp Hội; chú trọng cập nhật các kiến thức mới, chuyên sâu; các thông tin chuyên đề về tình hình trong nước, thế giới; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Tùy vào đối tượng học viên và nội dung để tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng linh hoạt như: tập trung, ngắn ngày, dài ngày, từ xa, ngay tại địa bàn cơ sở; thí điểm hình thức đào tạo trực tuyến đối với các địa phương có điều kiện.
Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: xác định người học là trung tâm trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu công việc; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Tiếp tục kiện toàn, phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ trong tình hình hiện nay. Nghiên cứu đề xuất chính sách miễn, giảm học phí và có học bổng cho một số đối tượng nữ sinh viên xuất sắc học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam để tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ Hội. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp.
Đối với hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực thông qua hoạt động thực tiễn và hướng dẫn kèm cặp: cần tiếp tục xây dựng và thực hiện quy định chế độ công tác cơ sở cho cán bộ Hội, đặc biệt là cấp Trung ương và cấp tỉnh, trong đó quy định cán bộ Hội chuyên trách các cấp một quý dự sinh hoạt ít nhất một lần với chi hội; mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, giao việc mới, khó cho cán bộ trong diện quy hoạch; đối với từng loại cán bộ cần có phương pháp hướng dẫn, quản lý, giám sát, kiểm tra phù hợp để tăng hiệu quả công việc, tăng tính chủ động, sáng tạo cho cán bộ; tăng cường sự kèm cặp, hướng dẫn của cán bộ có kinh nghiệm đối với cán bộ mới. Chủ động thực hiện công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu thực tiễn để có cơ sở tham mưu, đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn, tổ chức thực hiện.
Bốn là, chuẩn bị tốt nhân sự tham gia vào cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp Hội.
Năm 2021 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tổ chức vào năm 2022. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, các cấp Hội cần chủ động trong tham mưu, đề xuất cấp ủy phương hướng, đề án nhân sự. Phấn đấu xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, trí tuệ để lãnh đạo phong trào và hoạt động Hội trong giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức mới. Nhân sự ứng cử cơ quan lãnh đạo các cấp Hội phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đủ phẩm chất, năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, tính liên hiệp, tính đại diện; có sự kế thừa và phát triển. Quan tâm bố trí tỷ lệ hợp lý cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước.
Trong thời gian tới, các cấp Hội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách công tác Hội ở các cấp có cơ cấu hợp lý về độ tuổi, vùng miền, dân tộc, tôn giáo và về trình độ, kinh nghiệm thực tiễn; tuyển dụng cán bộ thông qua thi tuyển, xét tuyển công khai, minh bạch theo tiêu chuẩn chức danh; quy hoạch cán bộ theo hướng “động” và “mở” trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và khả năng phát triển của cán bộ; xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển cho cán bộ trong nội bộ từng cấp; phối hợp với cấp ủy để luân chuyển cán bộ trong hệ thống Hội và các ban, ngành khác; bố trí, phân công hợp lý, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường của cán bộ.
Có cơ chế thu hút, đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ thực tài. Nghiên cứu đề xuất chính sách đối với cán bộ Hội các cấp phù hợp với tính chất công tác, đặc điểm giới tính, điều kiện kinh tế của địa phương và quốc gia, đặc biệt cấp cơ sở; chủ động tổ chức các hoạt động dịch vụ xã hội hợp pháp, xây dựng quỹ hội, thu hội phí… để tổ chức ngày càng tốt hơn các hoạt động và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ Hội; xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định đảm bảo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, cụ thể: quy chế làm việc, phối hợp trong nội bộ cơ quan chuyên trách Hội; quy định mối quan hệ công tác giữa cấp trên với cấp dưới, trong đó chú trọng phân cấp rõ trách nhiệm của từng cấp Hội.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, các cấp ủy đảng chú trọng lãnh đạo xây dựng quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ Hội trong tổng thể quy hoạch về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Đối với cán bộ nữ, cán bộ Hội, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận với thực tiễn để bảo đảm có đủ tiêu chuẩn trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Thực hiện luân chuyển cán bộ trong hệ thống tổ chức Hội, chủ động giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước và phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.
Thứ hai, củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ từ Trung ương đến cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, bảo đảm sự liên thông, gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và tổ chức Hội góp phần giảm áp lực, gánh nặng cho đội ngũ cán bộ Hội và xóa bỏ tư tưởng cho rằng “bình đẳng giới, công tác phụ nữ là của Hội”.
Thứ ba, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện về nguồn để Hội LHPN Việt Nam thực hiện đổi mới có hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở các cấp theo “Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025” (ban hành theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ) và được cử cán bộ Hội tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà nước nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh theo quy định./.
Ghi chú:
(1) Hội Phụ nữ Bộ Công an và Ban Phụ nữ Quân đội.
(2) Trước năm 2019 là: Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Gia đình – Xã hội, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Ban Chính sách – Luật pháp; hiện nay thực hiện Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện giảm còn 04 đầu mối, bao gồm: Văn phòng, Ban Xây dựng tổ chức hội, Ban Tuyên giáo – Chính sách luật pháp, Ban Gia đình xã hội – kinh tế.
(3) Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp phụ nữ cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn giai đoạn 2008-2012” (Đề án 664); Đề án 1891 giai đoạn 2013-2017 và Đề án 1893 giai đoạn 2019-2025.
Hà Thị Nga – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Theo: tcnn.vn