Một số cán bộ có tâm trạng thời bình, muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, ngại việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật, muốn tiêu xài rộng rãi, thích phô trương, lãng phí, tham ô, hủ hóa, ghen tị địa vị, quan liêu, bao biện, không tin vào lực lượng quần chúng. Với tư duy và tầm nhìn vượt thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu được tình hình trên. Tháng 12-1958, Người viết tác phẩm “Ðạo đức cách mạng” với bút danh Trần Lực đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 12.
Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng gồm: (1) Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất; (2) Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng; (3) Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; (4) Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.
Những nội dung cơ bản về đạo đức cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, cùng với những bài nói, bài viết của Người về tư cách và đạo đức người cách mạng trở thành kim chỉ nam đối với công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức. Những hạn chế, yếu kém và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song, cần thẳng thắn thừa nhận rằng, có những thời điểm nhất định, Đảng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Hội nghị T.Ư 5 khóa VIII của Đảng chỉ rõ: “Việc xử lý những phần tử thoái hóa biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước chưa nghiêm. Tinh thần tự phê bình và phê bình sa sút ở nhiều cấp bộ đảng. Nội dung giáo dục tư tưởng, chính trị trong sinh hoạt đảng và các đoàn thể rất yếu…”.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, thiết nghĩ các cấp, các ngành, đoàn thể cần thống nhất nhận thức về những nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng hiện nay. Đạo đức cách mạng là một phẩm chất cao quý, thể hiện cốt cách của người cán bộ, đảng viên. Thực hiện sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, “Sửa đổi lối làm việc” và các bài viết, bài nói của Người, cùng với quan điểm của Đảng ta về đạo đức cách mạng gần 90 năm qua, có thể hiểu đạo đức cách mạng hiện nay thể hiện ở những nội dung cơ bản như sau:
1. Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn phấn đấu, rèn luyện không ngừng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
2. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trung với nước, hiếu với dân, đặt lợi ích của tập thể, của Đảng, của quốc gia, dân tộc lên trên; không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
3. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không tham nhũng, xâm phạm tài sản của Nhà nước và nhân dân, không lãng phí; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, cương lĩnh, kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lãng phí tài sản của Nhà nước và xã hội;
4. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi nâng cao trình độ, năng lực công tác; giữ gìn lối sống giản dị, trong sáng, lành mạnh; luôn đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp và luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân;
5. Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, yêu cầu đầu tiên đặt ra là nội dung tuyên truyền, giáo dục phải luôn đổi mới, phong phú và sâu sắc; phải đặt ra những yêu cầu cụ thể, gắn với từng cấp, từng ngành, từng đơn vị theo cương vị, chức trách được giao.
Cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thường xuyên phổ biến, quán triệt, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, coi trọng học tập và thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong các phong trào thi đua yêu nước. Hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể phải đổi mới, đa dạng hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường đăng tải những thông tin tích cực, tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp cái tốt, cái đúng trong hành vi đạo đức, biểu dương người tốt, việc tốt, lên án cái xấu, cái ác một cách cụ thể.
Các cấp ủy đảng cần thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. Cần chỉ rõ thực trạng, những nhân tố tác động, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng và bài học kinh nghiệm rút ra thời gian qua; chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo đức trong Đảng và đạo đức xã hội; nội dung, giá trị đạo đức cách mạng và hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân.
Hơn lúc nào hết, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi thiếu đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Mạnh dạn đưa ra khỏi tổ chức những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín. Trong Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Đảng ta xác định phải: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức cách mạng không lãnh đạo được nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Kỷ niệm 60 năm ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải soi lại mình, không chỉ nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, mà còn phải có kế hoạch trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng đối với bản thân, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.