--- Bài mới hơn ---
Tiểu Luận Luật Hiến Pháp
Vai Trò Và Đặc Điểm Hoạt Động Của Đại Biểu Quốc Hội
Bài Giảng Luật Hiến Pháp Quốc Hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Vị Trí, Chức Năng Của Tòa Án Nhân Dân Trong Hiến Pháp Năm 2013
Vị Trí Pháp Lý Của Quốc Hội Trong Mối Quan Hệ Với Chính Phủ, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao
Ngày đăng: 23/12/2017 03:17
Thẩm quyền của một cơ quan nhà nước là một khái niệm mang tính hệ thống, bao gồm các nghĩa vụ (trước nhà nước) và các quyền (đối với các đối tượng quản lý) thực hiện các nhiệm vụ, chức năng, các vấn đề nhất định… và các quyền hạn cụ thể để thực hiện các quyền và nghĩa vụ chung đó (như: quyền ban hành văn bản pháp luật, thực hiện các biện pháp cưỡng chế, các hoạt động mang tính tổ chức kỹ thuật…).
So với Hiến pháp năm 1992, thẩm quyền của Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013 có một số điểm mới chủ yếu sau đây:
1) Về đơn vị hành chính: bỏ quyền hạn quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vì quyền hạn này đã được Hiến pháp 2013 trao cho UBTVQH (khoản 8 Điều 74); thay vào đó, bổ sung quyền hạn trình UBTVQH quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (khoản 4); ngoài ra bổ sung quyền hạn trình Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
2) Bổ sung tại khoản 2 quyền hạn đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, UBTVQH quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này. Đây là quyền hạn đặc trưng để thực hiện quyền hành pháp.
3) Bổ sung tại khoản 4 quyền hạn trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ. Trước đây quyền hạn này Hiến pháp 1992 trao cho Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 95 Hiến pháp 2013 đã quy định nguyên tắc “Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”, nên mọi quyết định thuộc thẩm quyền của Chính phủ (được hiểu là “thẩm quyền chung của Chính phủ”), về nguyên tắc, đều được quyết định theo đa số trên phiên họp toàn thể của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế lại không phản ánh đúng quy định này. Chỉ đơn cử: để thực hiện quy định tại khoản 1, 6 Điều 96 Hiến pháp 2013 thì không chỉ Chính phủ (nói chung), bao gồm cả tập thể Chính phủ, Thủ tướng và mọi thành viên khác, mà cả hệ thống bộ máy hành chính, phải chung sức thực hiện.
1. Đề nghị của Chính phủ về xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, UBTVQH; các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, nghị quyết trình UBTVQH.
2. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dài hạn và hàng năm; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước.
3. Tình hình kinh tế – xã hội hằng tháng, 06 tháng, cả năm và những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
4. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ; việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
5. Chương trình công tác của Chính phủ hằng năm; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.
7. Những vấn đề cần thiết khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. (Điều 4).
2. Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ
Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 98 Hiến pháp năm 2013:
Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật;
2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;
3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
4. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị UBTVQH bãi bỏ;
5. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên;
6. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong nội dung điều này có thể thấy đa phần là quyền hạn cụ thể (chữ in nghiêng), còn lại là các quyền và nghĩa vụ chung (chữ in đứng) và như vậy là phù hợp vì cá nhân Thủ tướng cần được trao quyền giải quyết những công việc có tính chất cấp bách và cụ thể, ngoài những quyền hạn đặc trưng cho vai trò của người đứng đầu Chính phủ. Quy định của Khoản 6 Điều này nhằm phát huy tính dân chủ, công khai, thắt chặt quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Nhân dân, tuy nhiên, đáng tiếc việc thực hiện các quy định này trên thực tế không thật sự rõ ràng.
Quy định của Hiến pháp năm 2013 cho thấy sự tăng cường vai trò của Thủ tướng Chính phủ. Hiến pháp bổ sung thêm cho Thủ tướng quyền quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên (khoản 5 Điều 98).
Bên cạnh đó, Luật năm 2022 còn trao cho Thủ tướng Chính phủ “quyết định các vấn đề khi còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ” (khoản 1 điểm c, Điều 28); “Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh” (khoản 5 Điều 28);
Ngoài ra, Quy chế năm 2022 quy định: “Trong trường hợp xét thấy cần thiết do tính chất quan trọng, cấp bách của công việc, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh” (điểm e khoản 2, Điều 5). Quy định này xuất phát từ tính chất của vị trí, vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động hành chính, bảo đảm sự thông suốt, kịp thời trong hoạt động hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2022 còn một số hạn chế sau đây:
1) Hiến pháp năm 2013 không phân định rõ thẩm quyền chung của Chính phủ với thẩm quyền của tập thể Chính phủ, do đó, nếu đặt Điều 96 Hiến pháp 2013 bên cạnh Điều 98 (mà không so sánh nội dung), thì dường như thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn độc lập với thẩm quyền chung của Chính phủ. Thực tế, như đã phân tích, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chỉ là để thực hiện thẩm quyền chung của Chính phủ, cũng như thẩm quyền của tập thể Chính phủ, bộ trưởng (với tư cách thủ trưởng bộ), UBND…
2) Khoản 2 Điều 5 Luật năm 2022 về “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ” quy định: “Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…”. Quy định như vậy vô hình chung đã xếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào một thiết chế có chung thẩm quyền. Trong khi đó, Chính phủ có “thẩm quyền chung” và có hình thức hoạt động quan trọng của tập thể Chính phủ (gọi là “thẩm quyền của tập thể Chính phủ”), còn Thủ tướng Chính phủ có “thẩm quyền riêng”.
Đúng ra, mục đích của quy định nêu trên là nhằm phân định rõ thẩm quyền giữa hình thức hoạt động của tập thể Chính phủ với hình thức hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, UBND… trong thực hiện thẩm quyền của Chính phủ nói chung, tức là thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhánh hành pháp, của quản lý nhà nước. Vì vậy, để khắc phục hạn chế này, cần sửa đổi khoản 2 Điều 5 Luật năm 2022 như sau: “Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thủ trưởng bộ” (vì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ thì không có thẩm quyền riêng của mình).
3) Bên cạnh sự cần thiết khôi phục lại Điều 19 Luật năm 2001 về những vấn đề thuộc thẩm quyền chung của Chính phủ phải được bàn bạc tập thể và biểu quyết theo đa số trên phiên họp Chính phủ, một vấn đề quan trọng khác là, Luật năm 2022 cần bổ sung quy định về vai trò “lấp lỗ hổng về thẩm quyền” của Thủ tướng Chính phủ đó là: “Thủ tướng Chính phủ có quyền giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trừ những vấn đề phải được giải quyết trên phiên họp của Chính phủ theo Điều…”.
Cần lưu ý rằng, các Phó Thủ tướng Chính phủ không có thẩm quyền “riêng”, mà chỉ là người giúp Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác. Các bộ trưởng, với tư cách là thủ trưởng của bộ thì bộ trưởng có có thẩm quyền riêng, nhưng với tư cách là thành viên Chính phủ cũng không có thẩm quyền “riêng”. Nói cách khác, ngoài phiên họp của tập thể Chính phủ, thì gánh nặng thực hiện thẩm quyền của Chính phủ (nói chung) được trao cho Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ.
Tóm lại, để phân định thẩm quyền hợp lý trong nhánh hành pháp, quản lý nhà nước, cần phải có các sửa đổi sau đây:
Thứ nhất, quy định về thẩm quyền chung của Chính phủ (không nên ghi là “thẩm quyền của Chính phủ” vì dễ nhầm lẫn với bộ phận thẩm quyền chung của Chính phủ phải được bàn bạc tập thể và biểu quyết theo đa số), tức là chỉ thay đổi tên điều, không bàn về nội dung; điều này thực chất là quy định về tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của quyền hành pháp, quản lý nhà nước.
Thứ ba, quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, theo đó: “Thủ tướng Chính phủ có quyền giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền chung của Chính phủ, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của tập thể Chính phủ”. Đồng thời, quy định Thủ tướng Chính phủ có quyền giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhưng chỉ trong trường hợp các chủ thể này không giải quyết được hay giải quyết không kịp thời, không đạt yêu cầu và sau đó báo cáo Chinh phủ trong phiên họp gần nhất.
PGS, TS. Nguyễn Cửu Việt, Nguyên Giảng viên trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Vì Chính phủ vốn là một tập thể, do đó có thể lập luận rằng, “thẩm quyền của tập thể Chính phủ” chính là “thẩm quyền của Chính phủ”.
Theo: nclp.org.vn
--- Bài cũ hơn ---
Vị Trí , Vai Trò, Chức Năng Của Chính Phủ Theo Hiến Pháp 2013
Quốc Hội Là Cơ Quan Đại Biểu Cao Nhất Của Nhân Dân, Cơ Quan Quyền Lực Nhà Nước Cao Nhất Của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Trước Thềm Kỳ Họp Đại Hội Đồng Lhq: ‘việt Nam Được Đánh Giá Là Một Đối Tác Mạnh Của Lhq’
Câu Nào Sau Đây Sai Khi Nói Về Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc
Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc Kỷ Niệm Ngày Liên Hợp Quốc