Trong vài năm trở lại đây, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kết hợp với hạn hán đến từ El Nino đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân Việt Nam. Nếu không có giải pháp, một nguy cơ khủng khoảng lớn không chỉ về kinh tế mà cả xã hội cho vùng dân cư có khoảng 20 triệu nhân khẩu là rất đáng ngại.
Ngày 24/03/2017 tại Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) chúng tôi Công ty TNHH Việt Thái Sinh đã phối hợp với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN chúng tôi (CESTI), tổ chức hội thảo “Giải pháp tách phù sa, lọc nước biển và nước nhiễm mặn thành nước ngọt”.
Đây là một trong các giải pháp nhằm “cứu” ĐBSCL thoát khỏi tình trạng bị hạn nặng và không có nước ngọt để tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Lê Văn Quang, giám đốc Việt Thái Sinh, trình bày về các giải pháp chống hạn mặn.
Có lẽ không cần nói nhiều về vai trò và ý nghĩa của nước ngọt trong đời sống con người. Đặc biệt với người dân ĐBSCL trong những năm hạn hán vừa qua. Những giọt nước tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại là vấn đề sống còn với từng ruộng lúa, ruộng tôm, ao cá, đất canh tác hoa màu…
Theo thống kê trong 2016, thiệt hại kinh tế đến từ hạn mặn cho từng tỉnh ở ĐBSCL không dưới 100 tỷ đồng mỗi tỉnh. Vì vậy, làm sao để có nước ngọt để dùng không chỉ là cho sinh hoạt mà còn cả cho tưới tiêu, sản xuất là vấn đề mang tính sống còn cho toàn bộ ĐBSCL.
Các giải pháp mà Công ty Việt Thái Sinh đưa ra tại buổi hội thảo gồm: Xử lý nước biển thành nước ngọt, xử lý nước lợ (nước nhiễm mặn) thành nước ngọt và tách lọc phù sa để bón lại cho cây trồng… mặc dù không thể “đánh bại” được sự xâm nhập mặn và hạn hán, nhưng phần nào có thể giúp người nông dân “cầm cự” chứ không phải trắng tay như suốt mùa vụ 2016.
Đối với 2 biện pháp xử lý nước ngọt, bản chất chung của chúng đều là dùng công nghệ thẩm thấu ngược của màng RO (Reverse Osmosis). Nhưng khác với các màng RO đã khá quen với các hộ gia đình, màng RO mà Việt Thái Sinh sử dụng do Công ty Parker của Mỹ cung cấp, vốn được thiết kế để lọc nước biển có nồng độ muối lên đến hàng chục ngàn ppm.
Và để các màng RO này có thể lọc nước muối có nồng độ cao đến vậy, chúng cần các hệ thống máy bơm cao áp và đường ống dẫn có chất lượng và độ bền cao mới có thể đảm bảo được hoạt động lâu dài mà ít phát sinh hỏng hóc nhất. Nói cách khác, theo giám đốc Lê Văn Quang của công ty, việc dùng các linh kiện RO phổ thông là không thể.
Nhưng vì là công nghệ của Mỹ, giá thành của sản phẩm sẽ rất đắt đỏ nếu nhập trọn bộ sản phẩm hoàn chỉnh nên công ty đã đàm phán rất nhiều lần để có thể được dùng màng của Parker kết hợp với các linh kiện có chất lượng tương đương mà chi phí thấp hơn hẳn, từ đó phù hợp hơn với người nông dân ĐBSCL.
“Chúng tôi đã chứng minh phân khúc ở thị trường Việt Nam là rất tiềm năng, rất tốt mà sao các ông (Parker) không quan tâm”, ông Quang kể lại: “Về bơm, chúng tôi không dùng bơm của Parker nữa mà của hãng khác, ví dụ như của Ý, có giá thành tốt hơn. Tuy nhiên chúng tôi phải chọn loại nào tương thích với áp lực và nhu cầu làm việc là cả vấn đề”.
Model lọc nước mặn VTS-500 có công suất 500 lít/giờ.
Sau cùng, các sản phẩm được “điều chỉnh cho phù hợp” được công ty này tung ra thị trường. Cụ thể như model chủ lực LTM-500 chuyên cho lọc nước biển với công suất 80 lít/giờ được hãng chào bán với giá 100 triệu đồng (bao gồm cả chi phí lắp đặt bảo dưỡng).
Giám đốc Việt Thái Sinh cho biết, giá thành đầu tư ban đầu hơi cao nhưng nhìn chung vẫn rẻ hơn so với việc nông dân phải đi mua lại nước thủy cục để phục vụ sinh hoạt (100.000 – 200.000 đồng/m3) chứ chưa nói là sản xuất. Riêng với các hộ gia đình nhỏ, nếu không có ý định dùng cho sản xuất mà chỉ cho sinh hoạt, công ty cũng có các sản phẩm công suất thấp hơn với giá chỉ vài chục triệu đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng có các sản phẩm công suất lớn hơn, tối đa có thể xử lý tới 1200 m3/ngày cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt chất lượng nước đầu ra có nồng độ muối dưới 250 mg/l, có thể uống ngay được.
Về tuổi thọ thiết bị, do công nghệ Parker cho phép màng lọc tự súc rửa lại bằng nước ngọt trong thời gian ngưng vận hành, nên màng có thể dùng được từ 2 – 5 năm. Các sản phẩm lọc nước lợ có thể xử lý được nguồn nước có độ mặn tới 15.000 ppm, còn sản phẩm lọc nước biển có thể lọc được nguồn nước có nồng độ tới 55.000 ppm.
Một vấn đề khác được nêu tiếp trong buổi hội thảo là tách lọc phù sa ra khỏi nước nhiễm mặn. Nhiều đại biểu đến từ Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… rất quan tâm đến vấn đề này vì nước để tưới tiêu lấy từ sông thường kèm sẵn phù sa mang theo dưỡng chất cho cây. Nhưng nước lọc đầu ra từ các thiết bị trên đã bỏ qua hết các dưỡng chất trên.
Để giải quyết vấn đề này, ông Giang chia sẻ kinh nghiệm làm việc với tỉnh Bến Tre bằng cách sử dụng máy tách lọc bùn của hãng Lakos (Mỹ). Thiết bị này sẽ phân tách bùn ra khỏi nguồn nước lợ và giữ lại các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng bằng kỹ thuật ly tâm.
Thiết bị lọc bùn của hãng Lakos.
Sau khi bùn được tách ra, các nông dân có thể dùng nước ngọt được lấy ra từ máy để tiến hành thau chua rửa mặn lớp bùn này, rồi mới hoà ngược lại vào nguồn nước đã được xử lý và tiến hành tưới tiêu. Dù cách xử lý này nhìn chung không cho được lượng phù sa tốt như tự nhiên, nhưng về cơ bản vẫn có thể giúp người nông dân tiếp tục quá trình canh tác chứ không phải nhìn cây lúa chết như trước.
Chia sẻ về các thành tựu đạt được, ông Quang hy vọng các sản phẩm mà công ty đưa ra có thể giúp người nông dân ĐBSCL chống chọi được với tình trạng hạn mặn, góp một phần sức lực vào nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng, giúp ổn định sinh hoạt cho cư dân duyên hải.