Người dân xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba đưa cơ giới hóa vào làm đất chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ảnh Nguyên An
PTĐT – Phú Thọ là một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, diện tích đất nông nghiệp chiếm chủ yếu và là nguồn tài nguyên dồi dào cần được bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Theo số liệu thống kê đến hết năm 2019, diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 296.930ha,chiếm 84,01%,trong đó: Đất trồng cây hàng năm 118.187,79ha; đất trồng lúa 62.971,04ha; đất trồng cỏ dùng cho chăn nuôi 46.690,28ha; đất lâm nghiệp 170.473,07ha; đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 7.982,48ha và đất nông nghiệp khác 286,65ha.
Những năm gần đây, kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển rõ rệt. Tốc độ đô thị hóa nhanh và mở rộng; các ngành du lịch, thương mại, dịch vụ, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, khai thác khoáng sản; phát triển các công trình, dự án chủ yếu lấy vào đất nông nghiệp. Nhiều địa phương do việc canh tác nông nghiệp kém hiệu quả đã chuyển đổi hoặc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất,… đã làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ người dân làm nông nghiệp thiếu đất sản xuất. Mặt khác, con người đã quá lạm dụng nguồn tài nguyên đất đai và đã có nhiều tác động làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đất: Dùng quá nhiều lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp; khai thác khoáng sản; xả nước thải, rác thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường đất, biến đổi tính chất vật lý, hóa học của đất. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều quy định, văn bản chỉ đạo nhằm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chặt chẽ, có hiệu quả, đặc biệt là đất trồng lúa và đất lâm nghiệp. Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ, khai thác sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08 – NQ/TU ngày 15/4/2016 về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 27/11/2017 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3687/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3812/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 phê duyệt quy hoạch các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất chất lượng cao trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 4099/UBND-KTTH ngày 13/9/2018 về việc quản lý đất nông nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện hoàn thành các dự án điều tra cơ bản về đất đai như: Điều tra, đánh giá thoái hóa đất kỳ đầu; điều tra, đánh giá chất lượng đất; đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất để phân tích, đánh giá sâu về tính chất lý, hóa tính đối với đất nông nghiệp, nhằm phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp. Hàng năm, theo kế hoạch Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý đất đai tại UBND các huyện, thành, thị, UBND cấp xã; thanh, kiểm tra việc chấp hành về quản lý, sử dụng đất, bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường tới cán bộ địa chính cấp xã, đồng thời thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh nói chung đã dần đi vào nền nếp; nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, đặc biệt là quản lý quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất chưa giao đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự đồng lòng của người dân, một số địa phương đã làm tốt công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai, tạo điều kiện hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế về quy mô, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, mở rộng diện tích canh tác, tránh lãng phí đất thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là cơ giới hóa. Cùng với đôn đốc các địa phương tiến hành rà soát việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định về công tác bảo vệ môi trường đất, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường đất cũng như thực hiện các hoạt động phục hồi, cải tạo tình trạng nhiễm môi trường đất. Thực trạng áp dụng kết quả đánh giá đất, đánh giá tiềm năng đất đai thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên đất nông nghiệp; công tác quản lý đất trồng lúa nước nhằm đảm bảo an ninh lương thực; khoanh vùng đất đai phù hợp để phát triển cây nông nghiệp có múi chất lượng cao (bưởi Đoan Hùng; cây dược liệu ở Yên Lập…). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Việc đánh giá tiềm năng đất đai còn chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức, các nội dung trong đánh giá tiềm năng đất đai chưa được hướng dẫn cụ thể hóa và thiếu tính pháp lý trong triển khai thực hiện, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong điều tra, đánh giá tiềm năng đất đai… Để tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp trong giai đoạn tới, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm bảo vệ Tài nguyên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân, trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung các giải pháp chủ yếu như: Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên đất nói chung và đặc biệt là đất nông nghiệp. Việc đánh giá tiềm năng đất đai có ý nghĩa rất quan trọng trong sử dụng bền vững tài nguyên đất, là cơ sở khoa học cho việc hoạch định, lập chính sách phát triển và làm căn cứ cho sử dụng đất hiệu quả, bền vững. Do vậy, cần chú trọng và đầu tư đánh giá tiềm năng đất, góp phần giúp các cơ quan chức năng thực hiện quy hoạch sử dụng đất và người sử dụng đất xác định được đúng tiềm năng đất đai, định hướng sử dụng đúng mục đích của từng loại đất, từ đó có những giải pháp quản lý, sử dụng đất hợp lý và bền vững. Bên cạnh đó, cần thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và các mô hình trang trại, hoạt động theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện chính sách thuế đối với đất nông nghiệp nhằm khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khắc phục tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích, khuyến khích các nhà đầu tư trong nông nghiệp sử dụng đất có hiệu quả. Sử dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với đất, phục hồi những diện tích đất bị thoái hóa, xuống cấp. Khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo quỹ đất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất theo hướng hình thành các khu, vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm ổn định đời sống, việc làm cho người nông dân. Xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng nhằm quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai; việc quản lý, sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; kiên quyết xử lý các tình trạng vi phạm, sử dụng lãng phí, hủy hoại đất nông nghiệp; nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng sử dụng đất, đặc biệt là người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.