Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có hơn 100.000 ha rừng tự nhiên, trong đó, rừng đặc dụng là hơn 27.292ha; rừng phòng hộ hơn 83.465ha; ngoài ra, diện tích rừng tự nhiên sản xuất cũng khá lớn… Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo; chính sách phát triển rừng đặc dụng… đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, giảm áp lực vào rừng; nâng cao độ che phủ rừng.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, chính quyền và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành chức năng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ; tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách chưa cao.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng
Để quản lý, bảo vệ hiệu quả rừng tự nhiên, tỉnh Bắc Kạn đã bám sát Chỉ thị 13 của Trung ương, đề ra các giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, lực lượng kiểm lâm đã triển khai hàng nghìn cuộc tuyên truyền lồng ghép với các cuộc họp thôn, bản, phổ biến sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, quy định mới về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phân tích nêu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng thông qua mô hình giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ. Xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh thông qua các giải pháp điều động, luân chuyển, bố trí phù hợp năng lực của cán bộ chiến sĩ…
Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương vùng có rừng đặc dụng, phòng hộ. Đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường phối hợp hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Đồng thời, UBND tỉnh đã kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư. Hoàn thành điều tra, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng. Nỗ lực giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. hoàn thành việc giao đất, giao rừng, từng bước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.
Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên. Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực ít xung yếu sang rừng sản xuất, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng. Dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng.. ./.
Phan Quý